Marketing 5.0: Khoảng cách thế hệ và sự tiến hóa của tiếp thị

Tiếp thị 1.0: Lấy sản phẩm làm trung tâm 

Tiếp thị 1.0 hoặc tiếp thị lấy sản phẩm làm trung tâm xuất phát từ Mỹ vào những năm 1950, được phát triển ban đầu nhằm phục vụ thế hệ Baby Boomer giàu có và cha mẹ của họ. Mục đích chính là tạo ra các sản phẩm và dịch vụ hoàn hảo đem lại giá trị cao nhất trong tâm trí khách hàng. Đế thành công, các sản phẩm và dịch phải có đầy đủ tính năng và ưu điểm vượt trội so với đối thủ. Vì đem lại những lợi ích tốt nhất cho khách hàng nên doanh nghiệp phải định ra mức giá cao hơn cho các sản phẩm và dịch vụ này trong một thời gian dài. Vì vậy, các khái niệm tiếp thị quan trọng được tạo ra trong thời kỳ này tập trung vào phát triển và quản lý vòng đời sản phẩm, cũng như tạo ra môi hình 4P kinh điển: sản phẩm (product), giá thành (price), kênh phân phối (place) và chiêu thị (promotion). Sự hài lòng của khách hàng trở thành mục tiêu hàng đầu. 

Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của thời đại Tiếp thị 1.0 là doanh nghiệp thường bắt khách hàng phải tiêu dùng những thứ mà họ không cần, điều này tạo ra một văn hóa mới được gọi tên là chủ nghĩa tiêu dùng

Tiếp thị 2.0: Lấy khách hàng làm trung tâm 

Theo sau các phong trào văn hóa phản kháng và chống chủ nghĩa tiêu dùng giữa những năm 1960 đến giữa những năm 1970, tiếp thị đã tiến hóa thành hướng tiếp cận lấy khách hàng làm trung tâm hơn. Cách tiếp cận này càng được củng cố bởi cuộc suy thoái kinh tế đầu những năm 1980, làm cho sức tiêu thụ của thị trường giảm đi đáng kể. Tính tiết kiệm của Boomer đời cuối và thế hệ X trở thành thách thức chủ yếu đối với nhà tiếp thị. 

Vì vậy, trong thời kỳ Tiếp thị 2.0 này, tiếp thị tập trung vào việc thấu hiểu phân khúc, nhằm mục tiêu và định vị. Doanh nghiệp không còn tạo ra những sản phẩm và dịch vụ hoàn hảo cho tất cả mọi người. Họ đã tìm hiểu kỹ về thị trường mục tiêu và xác định rõ ràng định vị thị trường của mình. Doanh nghiệp đã loại bỏ những tiện ích phụ để tập trung hơn vào việc lựa chọn những tính năng sản phẩm dựa trên nhu cầu và mong muốn của người tiêu dùng. Điều này được thể hiện trong việc định giá phù hợp với thị trường mục tiêu đã xác định. 

Doanh nghiệp cũng nỗ lực mạnh mẽ hơn để xây dựng mối quan hệ với khách hàng theo thời gian. Nhà tiếp thị đã áp dụng phương pháp quản lý quan hệ khách hàng (customer relationship management – CRM) để giữ chân khách hàng và ngăn họ chuyển lựa chọn qua đối thủ cạnh tranh. Mục tiêu của tiếp thị được dịch chuyển từ sự hài lòng của khách hàng sang giữ chân khách hàng. 

Tiếp thị 3.0: Lấy con người làm trung tâm 

Sự phát triển của thế hệ Y và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào cuối những năm 2000 đã thúc đầy một sự tiến hóa khác của tiếp thị. Với quyền tự do truy cập thông tin và bị ảnh hưởng bởi những bê bối tài chính, thế hệ Y có độ tin tưởng thấp đối với các doanh nghiệp chỉ chạy theo động cơ lợi nhuận. Thế hệ Y đòi hỏi các doanh nghiệp phải tạo ra sản phẩm, dịch vụ và văn hóa mang lại tác động tích cực cho môi trường và xã hội. Do đó, thời kỳ của tiếp thị lấy con người làm trung tâm hay còn gọi là Tiếp thị 3.0 đã định hình. Doanh nghiệp bắt đầu tích hợp các hoạt động tiếp thị có đạo đức và trách nhiệm xã hội vào mô hình kinh doanh.

Tiếp thị 4.0: Dịch chuyển từ truyền thống sang công nghệ số 

Sự dịch chuyển về kỹ thuật số tiếp tục thúc đẩy xu hướng lấy con người làm trung tâm. Thế hệ Y – và ở một góc độ nhất định, thế hệ Z – đang hưởng tới một nền kinh tế số. Sự bùng nổ của Internet di động, phương tiện truyền thông xã hội và thương mại điện tử đã thay đổi hành trình mua hàng của khách hàng. Nhà tiếp thị đã thích nghi với sự thay đổi này thông qua việc giao tiếp và cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông qua sự hiện diện đa kênh. Họ bắt đầu dịch chuyển từ truyền thống sang kỹ thuật số và thực hành Tiếp thị 4.0. 

Tiếp thị 5.0: Công nghệ vị nhân sinh 

Với sự phát triển của thế hệ Z và thế hệ Alpha, đã đến lúc tiếp thị phải tiến hóa một lần nữa.

Sở thích và sự quan tâm chủ yếu của hai thế hệ trẻ nhất này chia ra hai hướng. Đầu tiên là mang lại sự thay đổi tích cực cho nhân loại và nâng cao chất lượng cuộc sống con người. Thứ hai là thúc đẩy xa hơn nữa các tiến bộ công nghệ trong mọi khía cạnh của nhân loại. Để phục vụ thế hệ Z và thế hệ Alpha, nhà tiếp thị cần phải tiếp tục áp dụng công nghệ kế tiếp nhằm nâng cao cuộc sống của con người. Nói cách khác, Tiếp thị 5.0 là sự tích hợp giữa Tiếp thị 3.0 (lấy con người làm trung tâm) và Tiếp thị 4.0 (được hỗ trợ bởi công nghệ).