8 “nguyên tắc vàng” xây dựng nên đế chế tỷ đô Uniqlo

Uniqlo là một công ty thiết kế, may mặc và bán lẻ trang phục thường ngày của Nhật Bản. Uniqlo trở nên phổ biến bởi hãng tập trung vào dòng sản phẩm phổ thông, thiết yếu, thiết kế đại chúng và vô cùng được ưa chuộng. Theo Forbes, tỷ phú sáng lập Uniqlo và nay là tập đoàn Fast Retailing, ông Tadashi Yanai hiện đang là người giàu nhất nước Nhật. Từng được tạp chí Time danh tiếng vinh danh vào danh sách một trăm người có tầm ảnh hưởng lớn nhất hành tinh. Vậy tỷ phú Tadashi Yanai đã đưa Uniqlo thành đế chế tỷ đô như thế nào? Đâu là những nguyên tắc để có thể xây dựng được 1 thương hiệu lớn mạnh như Uniqlo?

1. Khách hàng là ưu tiên hàng đầu

Khách hàng chính là “hạt nhân” trong kinh doanh. Mục tiêu ưu tiên số 1 của ông Tadashi “Đáp ứng nhu cầu khách hàng và tạo ra khách hàng mới”. Ngay từ khi chỉ còn là một tiệm may nhỏ, ông đã áp dụng quy tắc này và đặt nó lên nhưng quy tắc ưu tiên đầu tiên. Vị tỷ phú này từng chia sẻ: “Kinh doanh chỉ sống sót khi doanh nghiệp có khách hàng. Thế nên, khách hàng phải là hạt nhân trong mô hình kinh doanh. Đây là nguyên tắc căn bản của Uniqlo”. Steve Jobs chính là hình tượng mẫu mực cho triết lý này. Theo ông “Người làm kinh doanh phải biết đánh vào nhu cầu của khách hàng. Trừ phi bạn làm ra sản phẩm vượt cả sự mong đợi của họ, khách hàng sẽ chẳng bao giờ thỏa mãn.”

Kết quả hình ảnh cho tadashi yanai

Để cụ thể hóa mục tiêu trên, ở Uniqlo không hề tồn tại khái niệm lưu kho từ 6 – 9 tháng như những nhà sản xuất khác, hàng hóa sẽ được trữ lại được tính theo tuần và thậm chí là theo ngày. Nguyên do bởi khách hàng của Uniqlo có tác động trực tiếp đến quy trình sản xuất, vì sản phẩm mà thương hiệu này làm ra đều phải hoàn toàn dựa vào nhu cầu từ người tiêu dùng.

Ngoài ra, không chỉ chất lượng quần áo mà cả dịch vụ khách hàng cũng được Uniqlo chăm sóc kỹ lưỡng. Mọi quá trình từ tuyển dụng, đào tạo cho đến từng chi tiết nhỏ trong cung cách phục vụ, chăm sóc khách hàng Uniqlo đều triển khai một cách tỉ mỉ.

2. Doanh nghiệp phải luôn cống hiến cho xã hội

Đối với ông Tadashi, giá trị của một doanh nghiệp gắn liền với những đóng góp mà doanh nghiệp ấy mang lại cho xã hội. Một cơ sở kinh doanh chỉ thuần túy theo đuổi lợi nhuận mà không có sự liên kết với cộng đồng chắc chắn sẽ bị đào thải.

 “Khi kinh doanh tăng tốc, tôi nhận ra việc Uniqlo 
cần phải trở thành một tập thể có sự khát khao cống 
hiến cho cộng đồng, nếu không sẽ chẳng thể nào có 
thể phát triển bền vững".

Thực tiễn triết lý trên, Uniqlo đã phối hợp cùng Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) để trao khoảng 20,3 triệu bộ quần áo cho người tị nạn, các bà mẹ có thai và cho con bú cũng như hàng loạt nạn nhân thảm họa tự nhiên trên thế giới từ năm 2007. Tadashi Yanai từng được Hiệp hội châu Á (Asia Society), một tổ chức phi lợi nhuận có quy mô toàn cầu, vinh danh với giải thưởng “Asia Game Changer” cho những hoạt động vì cộng đồng của mình.

3. Phải luôn lạc quan và sẵn sàng đi lên từ thất bại

Cửa hàng Uniqlo đầu tiên xuất hiện tại Hiroshima. Tuy nhiên, khi mở 3 cửa hàng ở ngoại ô Tokyo, ông Tadashi đã đưa ra những chiến lược sai lầm và khiến người tiêu dùng cho rằng Uniqlo là thương hiệu nhà quê. Ba cửa hàng vừa khai trương buộc phải ngừng hoạt động và màn chào sân của thương hiệu này bị đánh giá thất bại. Đến năm 1995, cửa hiệu 3 tầng sang trọng tại Harajuku – một trong những con phố sầm uất nhất tại trung tâm thủ đô Tokyo mới tạo dấu ấn cho Uniqlo trên thị trường.

Kết quả hình ảnh cho uniqlo

                 “Tôi rất hiểu thế nào là thất bại. 
        Khi mở rộng chi nhánh ra nước ngoài, chúng tôi thất bại tại Anh, 
              rồi sau đó lại thua tại Trung Quốc và Mỹ”.

Tuy vậy, vị tỷ phú này cho biết ông chưa bao giờ cảm thấy nản lòng. Triết lý sống của người đàn ông 68 tuổi này là “chín thất bại, một thành công” và mỗi trở ngại ập đến đều là những hạt giống thành công sau này.

Đứng lên từ trái đắng thất bại, thương hiệu hiện có trên 1.000 cửa hàng ở nước ngoài và không ngừng tăng trưởng. Là nhà bán lẻ thời trang lớn nhất châu Á nhưng tham vọng của ông chủ Yanai là đưa thương hiệu trở thành số một thế giới, vượt mặt cả H&M và Inditex – công ty đứng sau Zara.

4. Điều nhỏ nhặt nhất cũng tạo nên thành công

Là một doanh nhân thành công trong lĩnh vực thời trang, ông Tadashi vô cùng kỹ tính và cẩn thận. Vị CEO này luôn tập trung hoàn thiện ngay cả những điều nhỏ nhặt nhất.

“Sai một li, là đi một dặm; lỗ hổng 1 mm có thể tạo nên sự khác biệt lớn theo thời
 gian. Bí quyết thành công nằm ở việc thực hiện và duy trì đều đặn những điều 
                       cơ bản nhất ngày này qua ngày khác”.

Một ví dụ điển hình cho điều này là việc mọi nhân viên làm việc trong cửa hàng của Uniqlo đều được đào tạo kỹ lưỡng và bài bản từ kỹ thuật gấp quần áo, kỹ năng trao quần áo cho đến cách trả lại thẻ tín dụng (theo phong cách Nhật, cần trả lại bằng 2 tay và mắt luôn nhìn thẳng vào khách hàng). Mọi động thái, cử chỉ của nhân viên cửa hàng đều được ghi hình và phân tích.

5. Hãy tự phê bình

Đối với ông Tadashi Yanai, bản thân ông và nhân viên Uniqlo đều phải biết tự phê bình ban thân, đó là điều vô cùng quan trọng. Ông cho rằng: “Một doanh nhân cần phải biết tự nhận xét suy nghĩ, hành động lẫn chiến lược của bản thân để luôn có thể tự cải thiện cũng như làm mới mình”.

Thực hiện quan điểm này, Tadashi Yanai thường tự đặt mình trên lập trường của một khách hàng khó tính. Theo ông lý giải: “Nhà phê bình khắt khe nhất chính là các khách hàng của bạn. Vì vậy, hãy đứng trên lập trường của họ và thử nhìn vào cửa hàng của mình rồi tự đánh giá xem nó có hấp dẫn hay không. Sau đó, hãy tiếp tục đi vào cửa hàng và nhìn xem sản phẩm có được trình bày bắt mắt không. Nhân viên bán hàng có đủ niềm nở, ân cần hay không”.

6. Phải có tầm nhìn, phải biết hướng xa

Từ những ngày đầu mới xây dựng Uniqlo, Tadashi đã nhắm và định hướng công ty sẽ trở thành một doanh nghiệp lớn toàn cầu. Vào hơn 10 năm trước, Uniqlo chỉ có xấp xỉ 100 cửa hàng tại Nhật Bản. Đến cuối tháng 8/2017, số cửa hàng trên toàn thế giới của Uniqlo đã đạt 1.920. Đáng chú ý hơn cả là việc Tadashi Yanai tuyên bố sẽ đưa Fast Retailing, công ty mẹ của Uniqlo, trở thành tập đoàn thời trang lớn nhất toàn cầu vào năm 2020 với doanh thu mỗi năm vào khoảng 41,7 tỷ USD.

Trong quá trình hướng đến mục tiêu ấy, Uniqlo đã quy định mọi hoạt động đều phải được tiến hành bằng tiếng Anh. Với một đất nước ít người biết tiếng Anh như Nhật Bản thì đây là một quyết định mạo hiểm. Ngoài ra, Uniqlo cũng thành lập nhiều trung tâm đào tạo ở New York, Thượng Hải, Paris và Singapore để xây dựng đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, thích nghi với thị trường thế giới.

7. Đột phá tiềm năng, đột phá giới hạn

Con người không bao giờ có thể biết được khả năng vô hạn của chính bản thân mình. Vì vậy Tadshi luôn khuyến khích, cố gắng mọi người vượt qua được nỗi sợ hãi, đánh thức tiềm năng, đi qua mọi giới hạn của mình.  Thích nghi với thay đổi là một trong những chủ đề chính trong bí quyết của Tadashi. Vị tỷ phú này thường so sánh Uniqlo với một công ty công nghệ. Ông nói: “Thế giới này đang thay đổi với tốc độ chóng mặt. Cái mà chúng ta đang nói đến là một cuộc cách mạng công nghiệp hoàn toàn mới. Sự đột phá từng một thời là thuật ngữ chỉ dành cho lĩnh vực công nghệ cao, nhưng nay nó lại đang diễn ra ở cả những ngành công nghiệp khác, đơn cử như Amazon, Alibaba và Uber. Đây là lúc chúng ta cần thay đổi! Ngành công nghiệp may mặc, vốn gắn liền với nhân loại, nay đã lỗi thời và cơ hội để chúng ta cải tổ nó đang ở trước mắt. Thế nên, tôi thường căn dặn nhân viên phải biết vượt qua những hình mẫu hiện tại”.

8. Thay đổi hay là chết

Trong thời đại công nghệ đang biến đổi ngày càng nhanh như hiện nay, ông Tadashi cho biết chúng ta cần phải thích nghi để tồn tại. Ngành công nghiệp may mặc đang dần trở nên lỗi thời và nếu không cải tạo, các thương hiệu sẽ gặp khó. Ông nói với nhân viên của Fast Retailing: “Chúng ta cần cải tiến. Ngay cả khi đã là một công ty có quy mô lớn, chúng ta vẫn cần đưa ra nhiều ý tưởng mới để không bị tụt hậu”.

Thiện Mỹ
Tham khảo: Doanh nhân Sài Gòn