10 bài học Marketing đắt giá của Steve Jobs

Steve Jobs là một doanh nhân, sáng chế người Mỹ, đồng thời ông cũng là cựu tổng giám đốc của Apple và là một trong những người có tầm ảnh hưởng nhất trong ngành công nghiệp vi tính. Apple hiện nay đang là một công ty có giá trị nhất thế giới, chỉ trong vòng 6 năm, Apple đã trở lại cuộc chơi từ một hãng công nghệ đang lụi tàn. Tất cả đều nhờ vào công lao và chiến lược marketing đúng đắn của Steve Jobs – người mà thậm chí còn chưa từng tốt nghiệp đại học ngành Marketing. Một nhân viên Apple từng nói: “Steve là nhà tiếp thị đại tài” , năng khiếu của ông chính là tiếp thị. Bài viết dưới đây sẽ là 10 tuyệt chiêu marketing đã cứu Apple khỏi một bàn thua trông thấy của Jobs mà chúng ta có thể học hỏi.

1. Marketing không nhất thiết phải phức tạp, hãy đơn giản mọi thứ

Khách hàng tiềm năng chẳng bao giờ cần đến một chiến dịch Marketing với hàng ngàn thông tin trôi nổi phức tạp

Steve Jobs đã nhận ra điều đó khi mới bắt đầu chiến dịch marketing đầu tiên của Apple. Chính vì vậy, Apple đã đơn giản hóa lại chiến dịch marketing của họ, đơn giản hóa các hình ảnh với tính năng phức tạp, họ đưa ra những tính năng nổi trội của sản phẩm, giá bán nhưng không đưa bất kì thông tin gì về nơi bán sản phẩm cũng như các để làm sao mua, thay vào đó là những mẩu quảng cáo nhỏ thu hút và khiến cho người đọc tò mò. Những tiêu chí làm marketing của họ rất đơn giản: Cho khách hàng thấy sản phẩm và để tự nó truyền tải thông tin.

Chiến lược Marketing rất hiệu quả, loại bỏ những nội dung phức tạp, chỉ show ra những hình ảnh đơn giản nhất đủ để truyền đạt thông tin sản phẩm. Bạn không cần thiết phải dùng những thuật ngữ cao siêu nào khiến khách hàng khó hiểu, hãy cho họ thấy sự đơn giản, dễ nhớ và dễ truyền tải nhất.

2. Việc thật, sản phẩm thật để quảng cáo

John Gruber – một người thường xuyên đánh giá các sản phẩm của Apple.

Apple luôn bắt đầu đi từng bước, bắt đầu từ những bước nhỏ nhất. Tuyệt chiêu để quảng cáo rộng rãi sản phẩm của mình, Apple đã áp dụng cách là gửi đi những sản phẩm của mình tới tay những người nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng nhất, sau đó tự họ sẽ đánh giá và chia sẻ quan điểm của mình trên các trạng mạng xã hội, mạng xã hội là một thế giới thu nhỏ, những đánh giá, chia sẻ của người có tầm ảnh hưởng sẽ được chia sẻ và khách hàng dễ dàng tiếp cận thông tin dễ dàng hơn. Chính tốc độ chia sẻ chóng mặt, Apple đã bước đầu thành công trong chiến dịch quảng bá của mình. Đây là một cách gieo hạt thông minh và Apple chỉ cần chờ đợi để gặt hái mà thôi.

3. Nguyên lý đòn bẩy

Bằng cách tạo cơ hội cho khách hàng dùng trải nghiệm sản phẩm và nhận đánh giá về sự trải nghiệm đó. Khách hàng hoàn toàn thoải mái khi đánh giá về sản phẩm của Apple và thật tốt khi họ nhận được những đánh giá hoàn toàn tích cực. Các bài đánh giá thường kèm theo ảnh của cá nhân người trải nghiệm và kèm theo đường link dẫn đến trang, điều này tạo nên sự tin tưởng hoàn toàn đối với những khách hàng khác, kích thích sự tò mò cũng như thúc đẩy sự trải nghiệm từ khách hàng mới.

4. Tập trung vào giá trị “độc nhất”, “đặc biệt nhất” hơn là giá cả

Sản phẩm của Apple luôn có mức giá cao hơn so với các hãng khác, nhưng tại sao khách hàng lại hoàn toàn chấp nhận mua với mức giá này chỉ để sở hữu một sản phẩm mà cũng có thể mua ở các hãng khác. Đó chính là chiến lược marketing của Apple, họ đánh vào tâm lý của khách hàng, đápứng được nhu cầu sử dụng không phải điều duy nhất, họ còn đánh cả vào tâm lý “độc nhất”, “đặc biệt” nhất. Điển hình là iPhone5 với slogan “the biggest yet”  được giới thiệu vào tháng 9 năm 2012 cùng với những sự đột phá. Là chiếc iPhone đầu tiên có màn hình 4 inch thay vì 3.5 inch như những thế hệ trước. Với thân máy cực mỏng chỉ với 8mm.

Đó chính là điểm nhấn của sản phẩm Apple, họ chẳng bao giờ cạnh tranh giá cả với đối thủ khác, họ khiến cho khách hàng tin rằng số tiền họ bỏ ra cho sản phẩm là hoàn toàn xứng đáng, kèm theo đó là những trải nghiệm tuyệt vời nhất và ứng dụng phong phú. Chiến lược này hoàn toàn có thể áp dụng với các sản phẩm khác, miễn là bạn tập trung vào sự “độc nhất, khủng nhất” của sản phẩm đó.

5. Đâu là giá trị cốt lõi của sản phẩm?

Apple đã đi một quãng đường dài gần 13 năm, ít nhất là tính từ thời điểm iPhone đầu tiên được ra đời vào năm 2007, để xây dựng một sự nghiệp lừng lẫy cả về thương hiệu, sức mạnh công nghệ và sức mạnh tài chính.

Giá trị cốt lõi của Apple do chính Steve Jobs vẽ ra và bắt buộc những lãnh đạo cao cấp và nhân viên Apple phải tuân thủ vô điều kiện. Jobs là người không bao giờ chịu thỏa hiệp trong việc thực hiện và giữ gìn giá trị ấy: Sự sáng tạo và chuẩn mực. Apple luôn hướng giá trị cốt lõi bám sát từng sản phẩm và luôn có sự liên kết chặt chẽ với nhau, từ mẫu mã, bao bì cho đến nội dung quảng cáo. Thương hiệu phải luôn cung cấp đúng những giá trị cốt lõi mà khách hàng mong muốn.

6. Marketing trải nghiệm cua Steve Jobs

Apple có quy mô hơn 300 cửa hàng bán lẻ trên toàn cầu, chi phí đầu tư cho cửa hàng bán lẻ hàng trăm triệu USD, doanh thu cửa hàng bán lẻ không ngừng tăng lên, cùng với cảnh tượng rõ rệt nhất – từng đoàn người xếp hàng thâu đêm trước các cửa hàng bán lẻ của Apple mỗi khi ra mắt sản phẩm mới, vai trò của chuỗi cửa hàng này nằm ở chỗ giúp tăng cường sự trải nghiệm của khách hàng với sản phẩm của Apple. Theo Steve Jobs, cửa hàng bán lẻ của Apple không đơn thuần chỉ là “cửa hàng” theo nghĩa thông thường, ở đó, người ta có thể trải nghiệm được sự thời thượng và thiết kế thông minh của các sản phẩm Apple, từ đó làm nảy sinh sự yêu thích đối với sáng tạo của Apple. Cửa hàng cũng được thiết kế theo phong cách hút mắt nhất, tạo nên sự trải nghiệm sang trọng và tinh tế. Đến với Apple không chỉ  đơn thuần là bỏ tiền ra mua 1 sản phẩm, mà thực tế đây là một cuộc dạo chơi đầy thú vị. Marketing của Jobs là tạo điều kiện tối đa để người dùng có thể trải nghiệm sản phẩm. Những sự thay đổi mới thường khó được người dùng đón nhận ngay lần đầu tiên. Họ phân vân sự thay đổi sẽ mang lại lợi ích hay gây hại với họ. Chính vì vậy khi tạo sự thoải mái và điều kiện tốt nhất, người dùng sẽ đồng ý trải nghiệm sản phẩm mới.

7. Giao tiếp luôn là ấn tượng tuyệt hảo nhất

Apple đã tìm ra một phương thức giao tiếp đặc biết với khách hàng, khả năng tiếp cận khách hàng tốt hơn mà các đối thủ cạnh tranh chưa từng sử dụng. Apple đã tập trung nghiên cứu từng dạng đối tượng khách hàng, tìm ra cách họ tương tác và trò chuyện trên các trang mạng xã hội và từ đó tạo ra một cuộc trò chuyện thú vị với họ, đưa ra những sản phẩm hay dịch vụ mà họ cần nhất,đánh vào nhu cầu của họ, phán đoán và giải quyết từng tình huống, điều đó tạo nên sự tin tưởng tuyệt đối của khách hàng cũng khiến họ cảm thấy hứng thú vói sản phẩm của Apple.

8. Tạo sự bị ẩn cho khách hàng khám phá

Apple luôn hé lộ một chút thông tin đặc biệt về sản phẩm chuẩn bị ra mắt. Họ hé lộ những điểm nổi bật nhất của sản phẩm cho khách hàng khiến họ tò mò và háo hức buổi ra mắt sản phẩm. Khác với đối thủ của mình, Apple không thích việc đưa toàn bộ thông tin sản phẩm ra trước, họ áp dụng phương thức “thông tin nhỏ giọt” khiến cho iFans trở nên phát cuồng và háo hức và khiến người hâm mộ “táo khuyết” quyết định mua ngay sản phẩm thậm chí còn chưa ra mắt. Apple luôn biết cách khuấy động khách hàng của họ.

9. Thông điệp quảng cáo của Apple

Thay vì làm như quảng cáo của các đối thủ khác là nhấn mạnh vào những từ ngữ như “pin khủng, cấu hình cao” ,thông điệp quảng cáo của Apple luôn là những thông điệp gắn gọn, tạo hiệu ứng trải nghiệm hơn mà chỉ nói về sản phẩm.”Shot on iPhone” là thông điệp quảng cáo của Apple tung ra hưởng ứng theo sự kiện lớn nhất hành tinh World Cup. Quảng cáo Apple tập trung chủ yếu vào trái bóng tròn, truyền đi thông điệp tích cực về ước mơ, giá trị và cơ hội đổi đời của môn thể thao vua. Kết thúc quảng cáo, Apple khéo léo lồng ghép thông điệp rất ấn tượng với dòng chữ “Shot on iPhone”, tạm dịch là “quay bằng iPhone”. Người xem sẽ đi từng cung bậc cảm xúc khác nhau qua mỗi thước phim quảng cáo. Điều đó đã tạo ra sự thành công và doanh thu của Apple.

10. Sự tinh tế của hình ảnh

Thay vì chỉ sử dụng nhiều ngôn từ quảng cáo khiến người xem không thể nhớ hết thông tin, Apple sử dụng hình ảnh để truyền tải. Trong chiến dịch “Bài thơ của bạn” Apple tung ra 2 video quảng cáo, diễn viên xuất hiện trong quảng cáo không hề nói một lời, thay vào đó, các đoạn nhạc cổ điển được phát ra du dương làm nền cho những hoạt động thường nhật của họ với chiếc iPad Air trên tay. Cũng giống như phần lớn các quảng cáo đã thực hiện từ trước đến nay, hai đoạn clip mới của Apple giống như một đoạn phim ngắn hơn là video quảng cáo. Đó chính là cách Apple “thể hiện sự khác biệt về tinh tế”.

Thiện Mỹ